Chủ Nhật, 11 tháng 10, 2009

Trí tuệ cảm xúc – Yếu tố quan trọng để thành công (tiếp theo)


Giờ đây, bạn đã biết được trí tuệ cảm xúc (emotional intelligence) quan trọng ra sao đối với sự nghiệp và cuộc sống (xem phần 1). Bạn tự hỏi liệu có cách nào để nâng cao trí tuệ cảm xúc hay không? Một số bí quyết sau có thể giúp bạn!


· Chú ý đến cách bạn giao tiếp với mọi người. Bạn có vội vàng đưa ra phán đoán khi chưa biết hết thông tin không? Bạn có nhìn nhận vấn đề một cách rập khuôn không? Hãy đặt mình vào vị trí của ngừơi đối diện và cởi mở hơn để có thể chấp nhận quan điểm và nhu cầu của họ.

· Quan sát môi trường làm việc. Bạn có luôn muốn mọi người chú ý đến thành tích của mình hay không? Bạn nên khiêm tốn vì đó luôn là một phẩm chất tốt và khiêm tốn hoàn toàn không có nghĩa bạn là người nhút nhát hay thiếu tự tin. Thể hiện sự khiêm tốn chính là bạn biết rõ điều mình làm và tự tin mình sẽ thành công mà không cần phải nói quá nhiều về nó. Hãy cho đồng nghiệp cơ hội để thể hiện năng lực và đừng quá chú trọng về việc mình có được mọi người tán dương hay không.


· Tự đánh giá bản thân. Đâu là điểm yếu của bạn? Bạn có sẵn sàng thừa nhận mình không phải là người hoàn hảo và sửa đổi để bạn trở thành một người tốt hơn? Hãy mạnh dạn đánh giá bản thân một cách chân thật. Điều này có thể giúp bạn có những thay đổi quan trọng trong cuộc đời!

· Đương đầu với áp lực. Bạn có cảm thấy bực bội mỗi khi có sự chậm trễ trong công việc hoặc một việc gì đó xảy ra không như ý bạn không? Bạn có đổ lỗi cho người khác hoặc phát cáu với họ, ngay cả khi họ không có lỗi? Khả năng giữ cái “đầu lạnh” trong kinh doanh nói riêng và cuộc sống nói chung rất quan trọng. Vì thế, hãy kiềm chế cảm xúc khi mọi việc diễn ra không như ý muốn.

· Chịu trách nhiệm về hành động của mình. Nếu bạn làm tổn thương người khác, hãy gặp họ để trực tiếp xin lỗi. Đừng phớt lờ những việc bạn đã làm hoặc lảng tránh họ. Với thái độ thành tâm sửa lỗi, người ta thường dễ dàng tha thứ và quên đi mọi chuyện.


· Chú ý sự ảnh hưởng từ những gì bạn làm đối với mọi người xung quanh. Nếu quyết định của bạn gây ảnh hưởng đến người khác, hãy đặt mình vào vị trí của họ. Họ sẽ cảm thấy như thế nào nếu bạn làm việc này? Bạn có muốn điều đó xảy ra không? Nếu thật sự bạn phải làm như thế, bạn sẽ làm gì để giúp người khác vượt qua được những ảnh hưởng đó?


Trí tuệ cảm xúc là sự nhận thức về những hành động và cảm xúc của bạn cũng như sự ảnh hưởng của chúng đối với những người xung quanh. Điều này có nghĩa là bạn tôn trọng những người xung quanh, lắng nghe những mong muốn và nhu cầu của họ, và bạn có khả năng thông cảm hay đồng cảm với họ - dù họ ở bất kỳ vị trí nào trong xã hội.


Bên cạnh trí thông minh, trí tuệ cảm xúc sẽ giúp bạn dễ dàng tạo dựng những mối quan hệ xã hội tốt đẹp và đạt được thành công trong cuộc sống. Nhiều người tin rằng trí tuệ cảm xúc quan trọng như trí thông minh và nhiều công ty đang sử dụng những bài kiểm tra về trí tuệ cảm xúc để tuyển dụng nhân sự.

(Theo mindtools.com)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét